NÀO CHÚNG MÌNH CÙNG THỰC HIỆN NHÉ
🍹GIẢI NHIỆT CƠ THỂ VỚI LY TRÀ TẮC THANH MÁT NGỌT LỊM🍹
Khi tiết trời trở nên gay gắt bởi những cơn nắng oi ả, nóng bức bao phủ cả bầu trời Sài Gòn, thì việc tìm một loại nước giải nhiệt để xua tan cơn khát luôn được ưu tiên. Trà tắc lúc này xuất hiện như một vị cứu tinh - một loại thức uống mát dịu, nhanh chóng và hiệu quả với mùi vị chua ngọt, mà trái tắc có quanh năm nên cũng dễ mua dễ bán.
Đến với tiết Cooking hôm nay của lớp Pre Nursery, cô giáo đã chia sẻ công thức làm trà tắc siêu to khổng lồ, vô cùng đơn giản nhưng hương vị thì không thua kém gì ngoài tiệm đâu các bạn nhé!
Chỉ với việc kết hợp 3 nguyên liệu chính gồm: trà, quả tắc và đường. Trà thì chúng mình có thể sử dụng trà xanh hay trà đen tuỳ thích (Dùng trà xanh thì nước trà có màu xanh hoặc vàng, còn dùng trà đen thì nước trà có màu nâu đỏ). Các bạn hãy cùng xem chúng mình tạo ra ly trà giải nhiệt này như thế nào nhé! Đầu tiên, chúng mình được cô giáo cầm tay chỉ tận tình cách cắt quất bằng dao và thớt sao cho an toàn, đẹp mắt nhất. Sau khi cắt đôi quả tắc, chúng mình lấy thìa gạt hết hạt và bỏ đi. Sau đó mỗi bạn sẽ được thực hành vắt từ 3-4 quả tắc vào ca nhựa pha chế đựng nước trà. Bước cuối cùng là cho đường vào ca, dùng thìa khuấy đều tất cả các nguyên liệu, tùy vào khẩu vị mà chúng mình sẽ cho lượng đường ngọt phù hợp. Ta – da, vậy là cả lớp đã hoàn thành xong mọi công đoạn rồi đấy, giờ chỉ việc rót ra ly và thưởng thức thôi.
Quả tắc (hay còn được gọi là quất), thuộc họ cam nên rất giàu Vitamin C, axit amin và các khoáng chất tốt cho trẻ nhỏ chúng mình. Tuy nhiên, cô giáo cũng dặn chúng mình là chỉ được uống trà tắc sau bữa ăn, trước khi đủ ngủ 2-3 tiếng và thỉnh thoảng mới uống chứ không nên dùng thường xuyên. Bởi trà tắc có vị chua, nếu nạp quá nhiều vào cơ thể sẽ làm hỏng dạ dày của chúng mình đấy.
Qua giờ học đầy thú vị này, chúng mình đã học được kỹ năng sử dụng dao, biết rằng khi dùng thì phải cầm dao bằng tay thuận của mình, dùng 4 ngón tay vòng từ dưới lên nắm chặt cán dao, ngón trỏ đặt ở vị trí sát điểm giữa cán dao và lưỡi dao, ngón tay cái giữ từ phía trên cán dao.